Yêu, ghét, phấn khích, tuyệt vọng, thỏa mãn, đố kỵ – đó chỉ là một số trong muôn vàn cảm xúc của con người. Rất nhiều quyết định của chúng ta dựa trên cảm xúc chứ không phải lý trí, dẫn dắt chúng ta bởi cảm nhận chứ không phải kiến thức. Đây là điều khiến cảm xúc trở thành một công cụ có tầm ảnh hưởng trong marketing.
Khách hàng không mua sản phẩm, họ mua cảm giác mà sản phẩm mang lại. Chúng ta tìm kiếm những giải pháp cho cuộc sống từ những sản phẩm chúng ta mua mỗi ngày, từ sữa chua đến kem đánh răng. Đó chính là lý do tại sao bạn thấy trong quảng cáo sữa chua, diễn viên lại vui tươi đến vậy, thuyết phục bạn chọn sữa chua với lời hứa hẹn sẽ đem lại cảm giác vui vẻ hạnh phúc khi thưởng thức sữa chua, chứ không phải một sản phẩm khác.
Cảm xúc rất phức tạp và được bồi đắp qua thời gian, thích ứng theo môi trường xã hội. Mặc dù nhiều nhà khoa học cho rằng các khía cạnh của cảm xúc có thể quy về 4 dạng cảm xúc cơ bản, nhưng các nhà marketing có thể dựa vào 7 loại cảm xúc mạnh mẽ dưới đây để tạo nên thông điệp hấp dẫn tới khách hàng.
Mục lục
Cảm giác hạnh phúc
Nếu bạn gắn liền cảm xúc với từng bậc trong tháp nhu cầu Maslow thì hạnh phúc sẽ là ở bậc cao nhất. Tìm kiếm hạnh phúc là điều mà con người luôn mưu cầu. Hạnh phúc rất tương tự và thường bị nhầm với cảm giác thỏa mãn những nhu cầu đơn giản, đó là lý do tại sao gây dựng lời hứa hẹn về cảm giác hạnh phúc trong quảng cáo rất dễ dàng.
Cảm giác về giá trị
Bạn có thể mang lại những giá trị tuyệt vời nhất cho khách hàng – biết được điều này sẽ là lợi thế rất lớn. Không phải lúc nào giá trị cũng đong đếm bằng tiền, bởi có rất nhiều điều quý giá khác, chẳng hạn như thời gian. Thấu hiểu giá trị mà khách hàng trân trọng sẽ giúp bạn tạo nên những cuộc mua bán mà khách hàng không thể cưỡng lại
Cảm giác thuộc về
Sống trong cộng đồng, chúng ta cảm thấy an toàn và thoải mái hơn. Cảm giác thuộc về, là một phần của một cộng đồng nào đó cho chúng ta cảm giác được hỗ trợ, động viên. Những thương hiệu thường hướng tới tạo ra sự trung thành bằng cách tạo cho khách hàng cảm giác họ đang là một phần của một nhóm đặc biệt. Điều này giống như cổ động viên thể thao cổ vũ cho đội của họ, các thương hiệu tạo ra sự lựa chọn cho khách hàng. Ví dụ như fan của hệ điều hành IOS hay Android chẳng hạn.
Sự tin tưởng
Sự minh bạch trong kinh doanh và sự chia sẻ những giá trị có ích chính là những yếu tố tạo nên niềm tin ở khách hàng. Tin tưởng là một cảm xúc thích hợp để tạo mối quan hệ lâu dài giữa thương hiệu với khách hàng. Hãy cởi mở về hoạt động, đừng bao giờ giấu diếm khách hàng về những loại phí, những điều khoản khi bán cho họ thứ gì. Điều này làm tăng sự tin thưởng và tăng cơ hội khách hàng quay trở lại.
Sự tò mò
“Bạn sẽ không đoán trước được được điều gì” Chắc hẳn bạn đã nghe câu này ít nhất 1 lần. Sự tò mò khiến chúng ta cảm thấy phấn khích trước sản phẩm sắp ra mắt, trong khi các thương hiệu liên tục đưa ra những dòng title lấp lửng nhưng đầy kích thích để thử phản ứng khách hàng.”Không biết điều gì sẽ xảy ra” là một sự thúc đẩy hành động rất tuyệt trong marketing.
Nỗi sợ hãi
Đây là một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất xưa nay, bởi sợ hãi chính là điều giúp con người tồn tại. Là một cảm xúc cơ bản, sợ hãi rất gần với bản năng sống sót. Nhưng khác với những cảm xúc tích cực để tạo mối liên hệ lâu dài với thương hiệu, sợ hãi tạo nên hiệu ứng ngắn hạn và về lâu dài có thể làm mất niềm tin vào thương hiệu. “Đừng bỏ lỡ cơ hội!” là một cách để ứng dụng cảm xúc sợ hãi vào bán hàng.
Cảm giác tội lỗi
Không khó để nhen nhóm cảm giác tội lỗi bởi chúng ta không ai là hoàn hảo. Mặc dù tạo cảm giác tội lỗi nghe có vẻ như bạn đang thao túng người khác, đây vẫn là một cách hiệu quả để thúc đẩy bán hàng. Ví dụ như tạo cảm giác rằng bạn sẽ có lỗi nếu không mua một món quà cho người yêu vào ngày Valentine, bạn sẽ hối tiếc nếu không bỏ chút tiền mua một sản phẩm tốt cho sức khỏe để chăm sóc bản thân tốt hơn.
Tạo cảm xúc mạnh mẽ, bao gồm cả cảm xúc tích cực và tiêu cực, có thể giúp bạn gây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng, sự trung thành từ họ. Tuy nhiên hãy xác định cảm xúc bạn định tạo ra sẽ gắn liền với giá trị doanh nghiệp, thương hiệu thế nào, lường trước những hiệu ứng chúng có thể tạo ra.
Theo The Startup
Tôi là Nguyễn Hồng Kỳ, hiện đang là Founder của SEO PLUS. Mong rằng những kiến thức SEO và kinh nghiệm trên 10 năm trong lĩnh vực Digital Marketing mà tôi đúc kết trên đây có thể giải đáp những thắc mắc, cải thiện quá trình SEO và giúp bạn gặt hái được những kết quả SEO mong muốn. Hotline: 08288 22226